Nằm trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, nhà văn hóa khu dân cư đóng vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa của người dân. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân mà còn góp phần cố kết cộng đồng khu dân cư. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, một số thiết chế văn hóa mới chỉ đáp ứng được phần vỏ. Nhiều công trình thiết chế văn hóa được xây dựng với nguồn kinh phí từ ngân sách, rồi sau đó tồn tại lay lắt, hoạt động nghèo nàn và nhiều hạng mục xuống cấp.

Các thiết chế văn hóa không phục vụ được nhu cầu cơ bản của người dân thực sự là lãng phí. Để hoàn thiện nâng cao hiệu quả của hệ thống nhà văn hóa phục vụ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đòi hỏi đồng bộ nhiều giải pháp. Nhiều địa phương đã xây dựng sức dân trong xây dựng cơ sở vật chất cho nhà văn hóa, sân thể thao với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà văn hóa do dân làm và dân thụ hưởng.

Điển hình như trường hợp nhà văn hóa thôn Trung Sơn, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái được xây dựng với quy mô 1.000m2. Toàn bộ kinh phí xây dựng nhà văn hóa này từ đất đai, nhân lực, vật lực… đều huy động từ nhân dân, với tổng kinh phí lên tới 600 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, khi người dân chung sức đồng lòng sẽ tạo nên động lực thúc đẩy việc xây dựng thiết chế văn hóa ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Song vấn đề quan trọng là phải làm sao để các nhà văn hóa được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, trở thành trung tâm văn hóa duy trì nếp sống sinh hoạt nông thôn.

Thiết chế văn hóa nông thôn mới không chỉ có cây đa, bến nước, sân đình, các khu nhà văn hóa, thư viện, sân thể thao… mà còn cần cả đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm và tha thiết với đời sống văn hóa nhân dân. Mỗi người dân, mỗi thôn xóm là minh chứng sống động, trực quan của bản sắc văn hóa vùng miền. Bản sắc này chỉ có thể được gìn giữ và phát huy trong điều kiện thiết chế văn hóa đầy đủ, hoạt động hiệu quả.